Hội Quán Triều Châu ở Hội An hay còn gọi là Chùa Âm Bổn hoặc Chùa Ông Bổn như người dân địa phương ở đây thường hay gọi, một địa điểm tín ngưỡng và là nơi sinh hoạt, gặp gỡ của cộng đồng người Triều Châu ở Hội An.

Ảnh mặt tiền Hội Quán Triều Châu. (nguồn ảnh sưu tầm)

Nếu bạn chưa biết hết những thông tin về nơi đây thì hãy tìm hiểu ngay bài viết này nhé:

Hội quán Triều Châu – Điểm tham quan không thể bỏ lỡ ở Hội An

Có lẽ, tới Hội An mà không ghé qua các Hội quán thì quả là thiếu sót: Hội quán Quảng Triệu, Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Hải Nam hay Hội quán Triều Châu …. như để minh chứng cho nét kiến trúc độc đáo ngay giữa lòng Phố cổ. Không chỉ là nơi lưu giữ lại bản sắc văn hóa mà Hội quán còn là nơi thờ cúng các vị thần để cầu mong cho mưa thuận gió hòa.

Với sự tỉ mĩ từ đôi bàn tay người thợ, nơi đây được xây dựng với lối kiến trúc tinh xảo và các họa tiết, trang trí theo truyền thuyết dân gian để lại tạo nên điểm đặc sắc cho Hội Quán.

Hội quán Triều Châu sở hữu kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc Trung Hoa với những chi tiết Rồng, Phượng đắp vẽ tinh xảo, cộng với việc chứa đựng nhiều giá trị lịch sử đã khiến nơi này chưa bao giờ hết “Nóng” cho dù đã trôi qua hơn 150 năm lịch sử.

Tới nơi đây bạn không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguy nga, cổ kính và rất đỗi trang nghiêm mà còn hiểu hơn về lịch sử, về con người và văn hóa nơi đây. Ẩn chứa bên trong mỗi bức tượng, nét vẽ là một câu chuyện có thật trong lịch sử, nó như để minh chứng cho sự tồn tại của cái thuận, cái tốt sẽ còn mãi theo thời gian. Đó là điều khiến những hội quán dù có bao nhiêu năm nữa vẫn cứ vẹn nguyên giá trị với khách du lịch.

Hội quán Triều Châu ở đâu, làm sao để tới Hội quán?

Địa chỉ hội quán 

  • Địa chỉ: 362 Nguyễn Huy Hiệu, Thành phố Hội An, Tỉnh Quảng Nam.
  • Giờ mở cửa: 7:00 – 17:00

Đến Hội An là cơ hội để bạn khám phá hết những di sản đã được UNESCO công nhận và trong số đó chắc chắn không thể bỏ qua Hội quán Triều Châu – Một trong số những Hội quán được người Hoa xây dựng. Tuy không nằm trong khu phố cổ thế nhưng nơi đây vẫn ngày ngày đón hàng trăm đoàn khách tham quan.

(nguồn ảnh sưu tầm)

Tham quan hội quán Triều Châu mùa nào đẹp nhất?

Nếu tới tham quan Hội An vào khoảng tháng 1 tới tháng 8 sẽ có thời tiết mát mẻ, ít mưa, đặc biệt từ tháng 2 tới tháng 4 hoặc nếu đến trong dịp Tết cổ truyền nữa thì việc check in quá tuyệt vời và thuận tiện. Còn nếu tới nơi đây từ tháng 9 tới tháng 12 sẽ là thời điểm nhiều mưa, bão …

Thế nhưng, với những du khách không thích ồn ào thì việc ngắm Hội An ở một góc nhìn lặng yên, ngắm Hội An sau những cơn mưa lại đem tới cho họ những cảm xúc thật ý nghĩa nên thường đến nơi đây vào những tháng 9 tới tháng 12.

Ảnh: @huyendoan2103

Vào đêm 14 âm lịch hàng tháng tại Hội An diễn ra Lễ hội hoa đăng, với hàng trăm đèn lồng đủ màu sắc làm khung cảnh nơi đây trở nên thơ mộng. Một Hội An về đêm đầy màu sắc với nhiều hoa đăng được thả trên dòng sông Hoài, nếu được hãy lựa chọn thời điểm này để tới đây vừa tham quan hết các Hội quán lại được hòa mình vào Lễ hội đầy màu sắc.

Nguồn gốc lịch sử của hội quán Triều Châu 

Hội quán được xây dựng từ năm 1845 bởi những người Hoa ở Triều Châu tới đất Việt làm ăn, sinh sống. Bởi thời điểm đó, Hội An là Hải cảng Quốc tế sầm uất, người Hoa và các nơi khác thường tới đây để giao thương buôn bán.

Hội quán được các thương nhân, ngư dân người Hoa xây dựng để làm nơi giao lưu, gặp gỡ của người Hoa Kiều đến từ vùng đất Triều Châu và là nơi thờ cúng thần Phục Ba chuyên về chế ngự sóng gió đem lại bình yên, cầu mong mưa thuận gió hòa. Đa phần người Hoa tới đây để buôn bán hoặc sinh sống bằng nghề biển nên họ rất mong mưa thuận gió hòa để có những chuyến đi suôn sẻ.

Hội quán Triều Châu nguyên bản được sử dụng chất liệu gỗ làm chủ đạo, nhưng theo thời gian nơi đây bị xuống cấp do đó những người Việt gốc Hoa đã đóng góp, tu sửa bằng nhiều chất liệu hiện đại khác để giúp Hội quán có thể trường tồn mãi với thời gian. Thế nhưng, dù chỉnh sửa, tu tạo thì Hội Quán vẫn luôn giữ được nét kiến trúc văn hóa Trung Hoa vốn có và sự tôn nghiêm không hề thay đổi.

Nét kiến trúc độc đáo của người Hoa ở Hội quán Triều Châu

Tại Hội quán người tham quan có thể nhận thấy rõ nghệ thuật đắp nổi hoa văn độc đáo, đây là nghệ thuật kiến trúc thường xuất hiện ở Trung Hoa. Đặc biệt, nghệ thuật đắp nổi bằng sứ khiến cho các chi tiết trở nên chân thực, sống động.

Những nét kiến trúc độc đáo được thể hiện rõ nét qua các chi tiết:

  • Phía mặt tiền: Từ phía ngoài bạn sẽ nhận thấy ngay những mảng tường được chạm trổ tinh tế. Những hình tứ linh, hồ điệp, cá chép hóa rồng … được chạm khắc tinh vi với những màu sắc sặc sỡ.

  • Nhà tiền điện: Được thiết kế theo các gian bằng chất liệu gỗ và đá làm chủ đạo. Bên trong kiến trúc theo kiểu chồng rường, phần thân được cố định bằng các kèo chạm khắc tinh vi cùng với kiến trúc đa tầng khiến phần mái vô cùng nguy nga, tráng lệ. Mỗi tầng được đắp nổi nhiều nhân vật với các điển tích xoay quanh cuộc sống của họ.

  • Chính điện: Được thiết kế với 3 gian chính, phía trong được nâng đỡ bằng các trụ cột gỗ rất to. Những con – ke được điêu khắc đẹp mắt, tinh vi bằng hình ảnh rồng, cá đem lại nét trang nghiêm cho nơi đây.

  • Nơi tiếp khách: Đây là nơi diễn ra các buổi gặp gỡ giao lưu giữa những người Hoa gốc Triều Châu. Với bàn thờ được bày trí bằng các vật phẩm cúng lễ.

Những Lễ hội được diễn ra tại Hội quán Triều Châu mỗi năm 

Vào 16 tháng giêng âm lịch, tại hội quán diễn ra Lễ cúng Nguyên Tiêu và Lễ giỗ tổ Tiền hiền rất linh đình, đây là hoạt động truyền thống của nơi đây để cầu mong một năm làm ăn thuận lợi và được đông đảo người Hoa gốc Triều Châu ở Hội An và các tỉnh thành lân cận như Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi … tìm về tham dự.

Lễ cúng nguyên tiêu để cầu mong 1 năm thuận buồm xuôi gió

Cùng chúng tôi tham quan thêm bên trong của Hội quán Triều Châu:

Hội quán, Đình, Chùa … là nơi gìn giữ Lịch sử, Văn hóa … là nơi linh thiêng thờ phụng chư Phật và các vị Thần … Do đó, khi đến tham quan bạn nên ăn mặc kín đáo và lịch sự nhé!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Us